Cấu trúc container

Hiện nay vận tải container là hình thức phổ biến nhất trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, do vậy, bạn nên hiểu hơn các thông tin về Cấu trúc container và các loại cont theo tiêu chuẩn ISO.

I. Cấu trúc container

Về cấu trúc container, bao gồm các bộ phận dưới đây:

1. Khung (Frame)

Khung container được làm bằng thép, gắn kết với nhau tạo thành dạng hình hộp chữ nhật, có chức năng làm giá đỡ chịu lực của container. Khung sẽ bao gồm:

  • 4 trụ góc (corner post)
  • 2 xà dọc đáy (bottom side rails)
  • 2 xà dọc nóc (top side rails)
  • 2 dầm đáy (bottom cross members)
  • 1 xà ngang trên phía trước (front top end rail)
  • 1 xà ngang trên phía sau (door header)

2. Đáy và mặt sàn (Bottom and Floor)

Đáy container được lắp ghép từ các dầm ngang (bottom cross members) được làm bằng thép gắn với hai thanh xà dọc đấy, đảm bảo tính chịu lực từ sàn container chứa hàng xuống.

Sàn container thường được làm bằng gỗ thanh hoặc gỗ dán, được xử lý hóa chất, dán hoặc hoặc đinh vít để gắn chặt với dầm đáy.

Ngoài ra, để thuận lợi hơn cho việc bốc dỡ, đáy container có thể được thiết kế thêm ổ chạc nâng (forklift pocket) dùng cho xe nâng hoặc đường ống cổ ngỗng (gooseneck tunnel) dùng cho xe có thiết bị bốc dỡ kiểu cổ ngỗng.

3. Tấm mái (Roof Panel)

Tấm mái được dùng để che kín nóc container, thường là tấm kim loại phẳng hoặc dạng uốn lượn. vật liệu được dùng làm mái có thể bằng thép, nhôm, hoặc gỗ dán phủ lớp nhựa gia cố sợi thủy tinh.

4. Vách dọc (side wall)

Vách dọc có cấu tạo tương tự tấm mái, thường là tấm kim loại phẳng hoặc dạng uốn lượn, bằng thép, nhôm hoặc gỗ dán phủ lớp nhựa gia cố sợi thủy tinh để tăng khả năng chịu lực.

5. Mặt trước (Front end wall)

Mặt trước container có cấu tạo tương tự vách dọc, là mặt không có cửa.

6. Mặt sau và cửa (Rear end wall and door)

Mặt sau có cửa 2 cánh bằng kim loại. Cánh cửa được gắn với khung container bằng bản lề (hinge). Dọc theo mép cửa có gắn lớp gioăng kín nước (door gasket) để ngân nước lọt vào bên trong container. Thông thường, mỗi cửa sẽ có 2 khóa có gắn tay quay (door handle) gắn với kẹp chì.

7. Góc lắp ghép (corner fittings)

Góc lắp ghép (còn gọi là góc đúc – corner casting) được chế tạo từ thép, hàn khớp vào các góc trên và dưới của container, là chi tiết mà khóa (twistlock) của các thiết bị nâng hạ (cẩu, xe nâng) hay thiết bị chằng buộc (lashing) móc vào trong quá trình nâng hạ, xếp chồng, hay chằng buộc container. Kích thước, hình dáng của góc lắp ghép được quy định trong tiêu chuẩn ISO 1161. Vị trí của các góc lắp ghép trên container quy định trong tiêu chuẩn ISO 668:1995.

Cấu trúc Container và các loại cont theo tiêu chuẩn ISO

II. Các loại container

Hiện nay hàng hóa vận chuyển bằng container đường biển được sử dụng có hai loại. Một loại theo tiêu chuẩn và  một loại là không theo tiêu chuẩn ISO. Các loại không theo tiêu chuẩn ISO, có thiết kế đa dạng chủng loại, hoặc căn cứ theo thiết của chủ container, nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và phù hợp nhất định.

Xem xét loại container theo tiêu chuẩn ISO 6346 (1995) có 7 loại sau:

1. Container bách hóa

Container bách hóa là loại cont được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, dùng để chở hàng khô được gọi là container khô (dry container,thường có hai loại được viết tắt là 20’DC hay 40’DC).

2. Container hàng rời

Hàng hóa vận chuyển trong loại cont này thường không được đóng hộp, thùng hay bào bì mà cho phép xếp hàng rời khô (xi măng, ngũ cốc, quặng…) bằng cách rót từ trên xuống qua miệng xếp hàng (loading hatch), và dỡ hàng dưới đáy hoặc bên cạnh (discharge hatch).

Hình dạng container hàng rời bên ngoài khá giống với container bách hóa, ngoại trừ miệng xếp hàng và cửa dỡ hàng.

3. Container chuyên dụng

Container chuyên dụng là loại phương tiện dùng để vận chuyển những hàng hóa riêng biệt, cụ thể như ô tô, súc vật sống…

– Container chở ô tô: cấu trúc gồm một bộ khung liên kết với mặt sàn, không cần vách với mái che bọc, chuyên để chở ô tô, và có thể xếp bên trong 1 hoặc 2 tầng tùy theo chiều cao xe. (Hiện nay, người ta vẫn chở ô tô trong container bách hóa khá phổ biến)

– Container chở súc vật: được thiết kế đặc biệt để chở gia súc. Vách dọc hoặc vách mặt trước có gắn cửa lưới nhỏ để thông hơi. Phần dưới của vách dọc bố trí lỗ thoát bẩn khi dọn vệ sinh.

4. Container bảo ôn

Container bảo ôn dùng để chuyên chở những loại hàng hóa yêu cầu có sự điều chỉnh nhiệt độ (nóng hoặc lạnh) phù hợp với loại hàng hóa đó.

Bên trong cont thường được bọc phủ lớp cách nhiệt tại các vị trí như vách và mái. Sàn container được làm bằng nhôm dạng cấu trúc chữ T cho phép không khí lưu thông dọc theo sàn và đến những khoảng trống không có hàng trên sàn.

5. Container hở mái (Open-top container)

Container hở mái là loại container được thiết kế dùng để thuận tiện đóng hàng hay dỡ hàng ra vào cont hoặc vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá cỡ, không vừa với các kích cỡ cont thông thường.

Sau khi hàng hóa được đóng vào cont, mái cont sẽ được phủ kín bằng vải dầu thay vì đóng kín như các loại cont thường khác. 

6. Container mặt bằng (Platform container)

Container mặt bằng là loại container không có vách đứng cao như cont thông thường, không có mái mà chỉ có sàn là mặt bằng trải dài và vững chắc, chuyên dùng để vận chuyển hàng nặng như máy móc thiết bị, sắt thép…

Container mặt bằng có loại có vách hai đầu (mặt trước và mặt sau), vách này có thể cố định, gập xuống, hoặc có thể tháo rời.

7. Container bồn (Tank container)

Container bồn bao gồm một khung chuẩn ISO trong đó gắn một bồn chứa, dùng để chở hàng lỏng như rượu, hóa chất, thực phẩm… Hàng được rót vào qua miệng bồn (manhole) phía trên mái container, và được rút ra qua van xả (Outlet valve) nhờ tác dụng của trọng lực hoặc rút ra qua miệng bồn bằng bơm.

2.9/5 - (7 bình chọn)
Bài viết tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *